Giỏ hàng hiện tại chưa có sản phẩm nào!
Vài nét về cuốn Ơn giời, Nietzsche trả lời của Marcus Weeks
Thử tưởng tượng vào một ngày đẹp trời nọ, một người bạn thân bỗng chạy đến hét vào mặt bạn rằng: “Chúa đã chết!”, nhưng chưa hết, còn nói tiếp với giọng điệu đầy kiêu hãnh: “và… chính chúng ta đã giết Ngài!”. Tạm bỏ qua sự kinh ngạc và hốt hoảng ắt phải có, bạn có thể dễ dàng kết luận: người bạn ấy hoặc là bị điên, hoặc là đã… trở thành triết gia!
Vâng, tác giả của phát ngôn gây sốc bên trên chính là triết gia người Đức Friedrich Nietzsche (1844 – 1900), và thực tế, ta sẽ không quá bất ngờ khi đã biết về phát ngôn trên, rằng ông cũng là một bệnh nhân tâm thần trong mấy năm cuối đời. Tuy vậy, cũng thấy rõ rằng không phải ngay từ đầu nhà triết học này đã là một người điên, cho nên hiển nhiên tư tưởng của ông không phải là một mớ suy nghĩ điên rồ, tuy rằng cũng có không ít những điều nghe có vẻ điên loạn, như câu phát biểu vừa rồi. Bởi một nhà tư tưởng điên khùng hẳn không thể trở thành một bậc thầy về nghệ thuật sống như điều triết gia Pháp Albert Camus (1913-1960) đã nhận định, rằng:
“Nietzsche là một trong số ít những triết gia có thể dạy chúng ta những điều thiết thực về nghệ thuật sống. Ông dạy ta cách đón nhận đời sống này bất chấp những điều vô lý và khổ đau mà nó mang lại. Ông cũng dạy chúng ta cách phản kháng trước chủ nghĩa hư vô và tự thân tạo nên những giá trị cao cả cho đời sống của chính mình”.
Chính những giá trị tư tưởng quý báu ấy đã khiến cho tên tuổi và di sản của Nietzsche vẫn được đón nhận cho đến tận ngày nay, mà cuốn sách Ơn giời, Nietzsche trả lời của Marcus Weeks là một minh chứng cho giá trị bền bỉ ấy. Tuy vậy, để tạo nên một màn thảo luận sôi nổi và đa chiều, cuốn sách không gò bó trong tư tưởng của một mình Nietzsche, mà mở rộng sang nhiều nhà tư tưởng khác, cố gắng trả lời một số câu hỏi cấp bách nhất của cuộc sống hiện đại bằng cách áp dụng trí tuệ của nhiều triết gia khác nhau từ cổ chí kim. Bạn đọc sẽ thấy, thực ra triết học không phải chỉ bàn đến những điều viễn vông xa vời, và các triết gia cũng không phải là những siêu nhân, với học thức vô bờ và tầm tư duy không tưởng. Trái lại, họ cũng là những cá nhân đang sống trên mặt đất này, cũng trải nghiệm một cuộc đời bình thường, và vì vậy cũng sẽ có lúc nghĩ về những vấn đề thường nhật như bao người khác. Bạn sẽ bắt gặp, thậm chí họ cũng có những suy nghĩ ngộ nghĩnh và hài hước, có khi còn ngây thơ và sai lầm hơn cả chúng ta.
Tác giả của quyển sách, Marcus Weeks, là một nhà văn và nhà biên tập tài ba, ông đã có đóng góp trong việc biên soạn nhiều sách tham khảo và bách khoa toàn thư về hàng loạt chủ đề, từ âm nhạc đến tâm lý học. Chính kho tàng kinh nghiệm và tri thức phong phú ấy là nguyên do khiến cho những vấn đề được bàn đến trong sách này rất đa dạng, thú vị và đặc biệt là rất “đời”. Ví dụ, ông sẽ đề cập đến cả những vấn đề như: Có nên thông báo cho bạn mình biết rằng người yêu của bạn ấy đang ngoại tình?; Ca sĩ bạn hâm mộ bị phát hiện là kẻ vô đạo đức, bạn có nên tiếp tục nghe nhạc của ca sĩ ấy?; Sợ chết có phải là điều bình thường?; Chơi ma túy có giúp ta hiểu cuộc đời và vũ trụ hơn?; v.v. Và với từng vấn đề, tác giả sẽ thử hình dung các triết gia như Plato, Kant, Nietzsche, Foucault, v.v. sẽ nói gì hoặc làm gì khi đối diện những tình huống tương tự.
Cuốn sách được chia thành năm phần: Các mối quan hệ, Công việc, Đời sống, Giải trí, và Chính trị. Mỗi phần chứa đựng một loạt các câu hỏi, kế đến là phần giới thiệu ngắn gọn về các triết gia và những điều mà các triết gia ấy đã từng bàn về chủ đề đang nói đến. Sau đó, tác giả tóm tắt những ý tưởng chính của họ và áp dụng chúng vào câu hỏi được đặt ra, thường sẽ kèm theo cả những ví dụ và giai thoại hài hước. Xuyên suốt trong sách, ta sẽ bắt gặp những ô cung cấp thêm một số thông tin ngắn về cuộc đời và tư tưởng của các triết gia được nhắc đến. Tuy vậy, sẽ không có một lời khẳng định đoan chắc về đáp án cho bất cứ câu hỏi nào. Tác giả chỉ dẫn ra ý kiến của các triết gia như thể những lời khuyên của một tập thể chuyên gia tư vấn, và rồi bạn đọc mới là người có thẩm quyền chọn lấy quan điểm mà mình muốn nghe theo.
Có thể thấy, cuốn sách được viết ra với mong muốn trở thành một cẩm nang hướng dẫn về cuộc sống và đồng thời là một lời mời gọi hấp dẫn về triết học cho những ai muốn mở rộng kiến thức về lĩnh vực này. Phải nói rằng, tác giả M. Weeks đã làm rất tốt công việc giải thích các khái niệm phức tạp bằng ngôn ngữ giản dị và dễ tiếp cận mà không hề đơn giản hóa hoặc bóp méo chúng quá mức. Ông cũng cho thấy triết học có thể phù hợp và hữu ích như thế nào đối với các vấn đề ta phải đối mặt hàng ngày, cũng như đối với cả các vấn đề hiện sinh sâu sắc. Tuy nhiên, cuốn sách không có ý ca tụng quá mức vai trò của triết học và các triết gia, thực tế tác giả thường đưa ý kiến riêng và lồng ghép những câu chuyện ngớ ngẩn hài hước của các triết gia, đôi khi còn châm biếm và chế giễu sự cố chấp lạ lùng của họ. Ví dụ, ông chế giễu phong cách viết vốn nổi tiếng là khó hiểu của Hegel rằng “đọc Hegel giống như cố đọc một cuốn sách khó nuốt bị bỏ vào máy xay vậy”. Ông cũng chế nhạo tính cách và thói quen lập dị của Nietzsche rằng “Nietzsche hẳn không phải là một người đàn ông mà bạn muốn mời đến dự bữa tiệc của mình”.
Có thể khẳng định Ơn giời, Nietzsche trả lời là một cuốn sách cung cấp nhiều thông tin hữu ích bằng một lối viết mang tính giải trí cao, tuy vậy, quyển sách cũng khó tránh khỏi sẽ có một số hạn chế và sai sót nhất định. Một trong số đó là việc tác giả có xu hướng chỉ chọn lọc các triết gia và ý tưởng của họ sao cho phù hợp với cách lập luận của mình, và vì vậy, ông có thể phớt lờ hoặc bác bỏ những triết gia có quan điểm khác ông. Ví dụ, ông chỉ đề cập ngắn gọn về Sartre khi bàn tới chủ đề liên quan đến chủ nghĩa hiện sinh, trong khi chú ý nhiều hơn đến Camus và Kierkegaard. Ông cũng bỏ qua một số nữ triết gia quan trọng, chẳng hạn như Simone de Beauvoir, Hannah Arendt, và Judith Butler, những cá nhân lẽ ra đã có thể bổ sung tính đa dạng và chiều sâu cho các cuộc thảo luận.
Một hạn chế khác là tác giả đôi khi đơn giản hóa quá mức hoặc trình bày sai quan điểm của các triết gia, đặc biệt khi ông cố gắng làm cho chúng phù hợp với mạch lập luận hoặc thế giới quan của riêng mình. Ví dụ, ông tuyên bố rằng Nietzsche sẽ ủng hộ quyền động vật và cổ xúy cho việc ăn chay, đây là một điều gây tranh cãi, nếu xét đến những phê phán của Nietzsche về luân lý đạo đức. Ông cũng tuyên bố rằng Foucault sẽ phản đối chế độ kiểm duyệt và ủng hộ quyền tự do ngôn luận, nhưng nếu dựa trên phân tích về quyền lực và diễn ngôn của Foucault, đây cũng là một kết luận rất đáng nghi ngờ. Dẫu vậy, nhìn chung thì Ơn giời, Nietzsche trả lời là một cuốn sách nhẹ nhàng và hấp dẫn, cung cấp những hiểu biết thú vị về triết học và chứng minh sự liên hệ gần gũi của ngành học này với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, cuốn sách không phải là một cuốn dẫn nhập toàn diện và có thẩm quyền về triết học, và bản thân tác giả cũng không có tham vọng ấy. Nó đúng hơn là một lời mời gọi vui tươi đưa mọi người đến gần hơn với triết học, khơi gợi người đọc có thêm những suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. M. Weeks có lẽ cũng muốn nhắn gửi rằng triết học không phải là một môn học khô khan và trừu tượng, và rằng, triết học có thể truyền cảm hứng và dẫn dắt chúng ta sống một cuộc sống đích thực và giàu ý nghĩa hơn.
Bài viết được thực hiện bởi Đội ngũ Anam Cara.
Để lại một bình luận